Truyền thống văn hoá
Lộc Giang là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, kiên cường và bất khuất. Từ buổi đầu khai phá cho đến kết thúc thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nơi đây luôn rực cháy ngọn lửa yêu nước, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của địa phương và cả nước. Tiếp tục phát huy truyền thống ấy, từ sau ngày 30-4-1975 lịch sử, Đảng bộ và Nhân dân xã Lộc Giang tiếp tục viết thêm những trang sử trong thời kỳ mới. Ngày 14-6-1999, Lộc Giang vinh dự được Đảng và nước phong tặng danh hiệu cao quý “ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN”.
Đến địa đầu cực bắc của tỉnh bên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông trong buổi đầu gian khó, khắc nghiệt và thử thách, mang trong mình một hành trang tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, bất khuất, vượt chông gai vì niềm tin ở vùng đất mới, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, các thế hệ tiền nhân ở Lộc Giang qua gần hai thế kỷ khai phá và xây dựng, đã sáng tạo và để lại những giá trị văn hóa quý báu, phản ánh sinh động quá trình chinh phục thiên nhiên, xây dựng và phát triển đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cung cấp những sinh lực mới về mặt chí khí và phong tục tập quán, tạo nên truyền thống về lịch sử - văn hóa cho vùng đất này.
Những di tích tôn giáo - tín ngưỡng nông nghiệp, những địa danh lịch sử, tên đất, tên làng như Đình Lộc Bình (ấp Lộc Bình), Chùa Bà Quan, Cầu Quan, Ruộng Quan, Rạch Bà Quan, Hố Tre, Bàu Khách, Ao Vuông, Vàm Bà Mảng... chính là hình ảnh đọng lại của lịch sử trên chặng đường khai hoang mở đất, lập làng, tạo dựng cuộc sống mới của thế hệ cha ông. Trong quá trình ấy, từng bước tiếp cận với qui luật thiên nhiên trong một tổng thể hệ sinh thái tự nhiên, từ địa hình đến thổ nhưỡng, động thực vật, từ khí hậu đến sông ngòi, thủy văn… của vùng đất mới, trên cơ sở kỹ thuật truyền thống và kinh nghiệm tích lũy qua thực tiễn và giao lưu văn hóa, các thế hệ cư dân nơi đây đã tạo ra các phương thức thích ứng và hiệu quả trong việc khai thác nguồn lợi tự nhiên và hoạt động sản xuất trên vùng đất đặc thù này mà nông cụ và ngư cụ là biểu hiện vật chất cụ thể.
Bên cạnh di sản vật chất, trong hành trang của những lớp lưu dân người Việt đến đây trong những ngày đầu khai phá có cả một vốn liếng tinh thần được hun đúc qua bao thế hệ ở vùng đất cũ. Nay trong điều kiện và không gian mới, qua tác động của thiên nhiên và môi trường xã hội, cái cũ lần hồi được cải biến, hình thành những nét mới, qua thời gian định hình thành cái riêng trên cái nền chung của văn hóa dân tộc. Đó là tín ngưỡng tinh thần với đạo thờ ông bà tổ tiên là chủ đạo; là phong tục tập quán với những qui định về nếp sống gia đình và xã hội, phong tục gắn liền với cuộc đời con người như quan, hôn, tang, tế, những lễ thức mang tính tập tục cổ truyền (như Tết Nguyên Đán, Mồng 5 tháng 5, Rằm tháng Bảy, Trung Thu...) và những lễ thức tín ngưỡng dân gian của văn minh nông nghiệp như cúng đình, cúng miễu, lễ cầu mưa, tống phong, tống ôn (1)... ; văn học dân gian với những thể loại như dân ca (hò giã gạo, hò xay lúa, hò huê tình…), múa (bóng rỗi), trò diễn (2)… Tất cả đều phản ánh tình yêu quê hương đất nước, tình cảm lứa đôi, cách ứng xử với thiên nhiên và con người…, góp phần hình thành nên nét văn hóa của vùng đất phương Nam trong mấy thế kỷ qua trên vùng đất Đức Hòa.
Trong quá trình chinh phục thiên nhiên tạo dựng cuộc sống, những đức tính truyền thống như cần cù, chịu khó, kiên cường, bất khuất… của các thế hệ người Lộc Giang được bồi đắp, đồng thời nảy nở những đức tính tốt đẹp như đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng nghĩa khinh tài, quả cảm, dám nói, dám làm, chia ngọt xẻ bùi, đồng cam cộng khổ… Những giá trị ấy được các thế hệ người dân nơi đây hun đúc, giữ gìn và nâng niu.
Đặc thù về tự nhiên và sinh thái nơi đây hình thành bên cạnh nghề nông trồng lúa, trồng đậu phộng là nghề chuyên trồng các lọai cây hoa màu, trồng thuốc lá (ở ấp Lộc Hòa do thế đất cao) và nghề thủ công truyền thống như đan đát, chằm nón lá...
Điều kiện môi trường, sinh thái tự nhiên cũng tạo nên đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nơi đây với những nét đặc thù từ sinh hoạt khai thác nguồn lợi thiên nhiên, hoạt động canh tác, tổ chức không gian cuộc sống cho đến văn hóa ẩm thực… đầy tính hào phóng và cộng đồng.
Truyền thống quí báu được hun đúc từ hàng trăm năm trong lao động, khai hoang mở cõi được nhân dân Lộc Giang tiếp tục phát huy mạnh mẽ vào thời kỳ chống giặc ngoại xâm.
(1) Địa danh Bàu Khách ở ấp Lộc Thuận là do nơi đây xưa làng tổ chức làm lễ đưa khách (lễ tống ôn) rất lớn để cầu an cho dân làng.
(2) Cuộc tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể năm 2005 cho biết ở Lộc Giang còn 2 nghệ nhân dân gian hò huê tình là Nguyễn Văn Hội, sinh 1907 ở ấp Lộc Bình và Nguyễn Văn Xính, sinh 1929 ở ấp Lộc Chánh.
(3) Những người lớn tuổi ở địa phương cho biết rừng Bảy Mẫu ở ấp Lộc An xưa là khu rừng rộng chừng 7 mẫu với bạt ngàn cây mật cật - một loại cây có lá dùng làm nguyên liệu để chằm nón. Nguồn nguyên liệu tại chỗ ấy là điều kiện để nghề chằm nón lá hình thành và phát triển trên vùng đất này. Cuộc tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể năm 2005 do Bào tàng Long An thực hiện, thời điểm đó có 150 hộ dân làm nghề chằm nón lá (5,41%).