Lịch sử
Từ đầu thế kỷ XVII, bộ mặt vùng đất Lộc Giang bắt đầu đổi thay với sự có mặt của lưu dân người Việt từ miền Trung gian khó, do không chịu nổi sự áp bức đến cùng cực của chế độ phong kiến Đàng Trong và sự tàn hại giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, đã vượt biển vào đây với hy vọng tạo dựng cuộc sống mới ở vùng đất nghe nói là dễ sống, nơi mà chế độ phong kiến hà khắc chưa với tới. Cùng với quá trình di dân tự do, sau hai cuộc chuyển cư có tổ chức vào các năm 1648 (Mậu Tý) và 1679 (Kỷ Mùi) (3) và sau đó là sự kiện Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Nông Nại thời chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1698 (Mậu Dần), thiết lập bộ máy hành chánh đầu tiên gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình với hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, vùng đất Lộc Giang bấy giờ nằm trong tổng Long Hưng, huyện Tân Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định.
Cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh mở ra những điều kiện kinh tế - xã hội để khai phá vùng đất này. Trong lúc bôn tẩu trốn tránh quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh từng cho xây pháo đài bằng đất ở Lộc Giang. Hiện nay tại ấp Lộc Hòa còn di tích Ao Vuông, tương truyền là để lấy nước phục vụ cho binh sĩ Nguyễn Ánh lúc bấy giờ (1). Chính lực lượng quân đội khi thực hiện chính sách “đồn điền” của Nguyễn Ánh lúc bấy giờ đã đẩy nhanh tiến trình khai phá Lộc Giang. Việc Nguyễn Ánh cho vẽ lại địa đồ, phân chia lại địa giới hành chính một số địa bàn vào năm 1779 phản ánh tình hình dân số gia tăng và kinh tế phát triển. Vùng đất Lộc Giang khi đó thuộc tổng Long Hưng được cắt về huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn.
Chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh kết thúc, nhà Nguyễn đẩy mạnh khai khẩn bằng quân đội, Thực hiện chính sách trên, Nguyễn Trọng Thế - theo truyền thuyết dân gian và những tư liệu còn lại ở địa phương (2), là người Gia Định, theo phò trợ Nguyễn Ánh thời bôn tẩu, được người dân địa phương gọi là ông Vách Lang hay quan Vách (3), sau làm chức Cai cơ dưới trướng Tả quân Lê Văn Duyệt, đưa binh lính về vùng đất Lộc Giang ngày nay khai hoang, mở đất vừa làm nhiệm vụ phòng thủ phía tây thành Gia Định. Với sự góp sức của quân đội trong chính sách đồn điền, vùng đất Lộc Giang nhanh chóng được khai mở và dần hình thành làng xóm. Ông chia 2/3 số ruộng đất khai phá cho 4 tộc họ đông nhất hình thành 7 xóm, tương ứng với các ấp hiện nay, là: họ Nguyễn ở xóm Rạch Ba Quan (ấp Lộc Chánh), họ Lê ở xóm Cây Xoay (ấp Lộc Hòa), họ Trần ở xóm Bàu Khách (ấp Lộc Thuận), họ Trần ở xóm Hố Tre (ấp Lộc Thạnh), họ Lê, họ Hà ở xóm Mía (ấp Lộc Bình), họ Lê, họ Nguyễn ở xóm Bàu Dài (ấp Lộc Hưng) và họ Lê, họ Hà ở xóm Mới (ấp Lộc An); còn lại cho những tộc họ ít người hơn. 7 làng do tiền hiền Nguyễn Trọng Thế khai khẩn (4) đó chính là vùng đất Lộc Giang thuộc tổng Long Hưng, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, thành Gia Định mà vua Gia Long cho sửa đổi vào năm 1808.
Thực dân Pháp xâm lược (1858) làm dang dở công cuộc khai phá trên vùng đất này, đồng thời mở ra một thời kỳ nhiều biến động về kinh tế - xã hội với những thay đổi về địa giới hành chính. Sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), Pháp vẫn giữ gần nguyên vẹn sự phân chia lãnh thổ hành chính của Nam triều nhưng sáp nhập nhiều làng nhỏ, chia tách các tổng, lập thêm nhiều tổng mới. Làng mới Lộc Giang ra đời từ các thôn xóm kể trên, là 1/16 làng thuộc tổng mới Cầu An Hạ, huyện Bình Long (lỵ sở Hóc Môn), phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định.
Sau khi chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (1867) và thiết lập xong bộ máy cai trị thuộc địa, Pháp tổ chức 6 tỉnh Nam Kỳ thành 24 Arrondissements (dịch là “sở tham biện” hay “hạt”) theo Nghị định ngày 5-6-1867. Lộc Giang là 1/17 thôn, làng của tổng Cầu An Hạ, thuộc tham biện Quang Hóa, 1 trong 7 khu tham biện của vùng Gia Định (Pháp gọi là tỉnh Sài Gòn) bấy giờ.
Năm 1872, Pháp giảm ở Gia Định còn 5 khu tham biện. Khu tham biện Chợ Lớn được sắp xếp lại gồm hai huyện Tân Long và Phước Lộc gồm 13 tổng, 231 làng. Lộc Giang là 1/18 thôn, làng của tổng Cầu An Hạ, khu tham biện Chợ Lớn. Từ năm 1868 đến 1880, Pháp tiếp tục điều chỉnh tổ chức hành chính, cuối cùng còn 20 địa hạt, đặt dưới sự kiểm soát của 4 hạt hành chính lớn (Circonscriptions) là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac. Lộc Giang thuộc địa hạt Chợ Lớn (được thành lập mới gồm 12 tổng 215 làng theo Nghị định 7-6-1871), thuộc khu hành chính lớn Mỹ Tho.
Ngày 20-12-1899, Pháp ra nghị định đổi các địa hạt thành các tỉnh (Province), có hiệu lực từ 1-1-1900, tinh giảm bộ máy cấp tổng, làng, đến năm 1909, tỉnh Chợ Lớn được lập thành 4 đại lý (délégation), sau gọi là quận gồm Cần Giuộc (luôn cả Cần Đước ngày nay), Chợ Lớn, Đức Hòa và Trung Quận, giảm từ 12 tổng, 215 làng còn 11 tổng, 69 làng. Lộc Giang là 1/11 làng của tổng Cầu An Hạ, tỉnh Chợ Lớn. Năm 1913, quận Đức Hòa chính thức được thành lập, Lộc Giang thuộc tổng Cầu An Hạ, quận Đức Hòa, tỉnh chợ Lớn và ổn định trong địa giới hành chính này đến cách mạng tháng Tám 1945.
Sau khi bãi bỏ hệ thống quan lại Nam triều cấp tỉnh (tổng đốc, tuần phủ), huyện (tri phủ, tri huyện), Pháp can thiệp sâu vào đơn vị cai trị cơ sở làng, xã. Ở Lộc Giang, ban hội tề của làng được “chấn chỉnh” gồm 11 người (1904) rồi sau đó là 12 người (1927), quy định nhiệm vụ và quyền hạn của từng người. Các chính sách khai thác về kinh tế nhằm vơ vét, bóc lột tài nguyên và lao động phục vụ cho sự phồn vinh của chính quốc làm biến chuyển kinh tế - xã hội. Pháo xếp dân thành hai hạng: tráng đinh (người có tài sản ít nhiều phải nộp thuế) và bạch đinh (người không có tài sản), duy trì thu thuế đinh và thuế điền, tăng nhanh mức thuế điền từ 1 đồng (7 quan) /1 mẫu ta trước đây lên 1,5 đồng /mẫu ta năm 1897, qui định lại diện tích đóng thuế từ 4.970m2 cho 1 mẫu Bắc Bộ, nay rút xuống còn 3.600m2 để thu nhiều hơn. Theo trí nhớ của những người lớn tuổi, thuế thân ở Lộc Giang lúc này là 6 đồng /1năm. Bằng sắc lệnh tháng 7-1888, 18-8-1896, nghị định ngày 18-9-1926, sắc luật tháng 11-1928, thực dân Pháp hình thành chế độ sở hữu ruộng đất ở đây vào những thập niên đầu thế kỷ XX với phần lớn đất đai tập trung vào tay Fereira và La Mouroux với phương thức khai thác theo kiểu phong kiến, cũ kỹ, bóc lột tá điền, năng suất thấp. Bọn này chèn ép cả địa chủ bản địa - vốn là chỗ dựa chính trị và kinh tế của chế độ thực dân. Nông dân mất đất, số ở lại nông thôn làm tá điền, số ra thành thị kiếm sống bằng nhiều nghề phụ, một số vào các nhà máy tư sản. Hoạt động chăn nuôi, kinh tế vườn cũng không phát triển. Ngoài nghề thủ công đan đát trong một bộ phận nông dân lao động nghèo, tiểu thủ công nghiệp đương nhiên không được quan tâm bởi chính sách “mở mang công nghiệp chỉ giới hạn trong phạm vi không làm hại đến công nghiệp của chính quốc”. Với lề lối ấy, dưới mắt người dân Lộc Giang, bọn cướp nước và kẻ bóc lột chỉ là một. Chính sự đồng hiện diện của cả thực dân lẫn phong kiến trên cùng một mảnh ruộng như thế đã thúc đẩy người dân nơi đây từ sau 1930 nhanh chóng tập hợp lại dưới ngọn cờ dân tộc - dân chủ của Đảng Cộng sản mặc dù không có một lực lượng vô sản công nghiệp cũng như các phong trào đấu tranh kiểu công nhân.
Nền giáo dục nô dịch chỉ đào tạo một thiểu số người thuộc tầng lớp trên để phục vụ chế độ thực dân nên đến những thập niên đầu thế kỷ XX, ở đây không có cơ sở giáo dục nào, số người thất học trên 90%. Nền tảng văn hóa truyền thống trên vùng đất cũ được hun đúc và nâng niu, nay trong quá trình khai mở đất đai, chinh phục thiên nhiên, chống thực dân phong kiến áp bức trên vùng đất mới làm hình thành thêm nhiều yếu tố bản địa, không những góp thêm những giá trị độc đáo cho truyền thống chung, mà còn chuẩn bị những điều kiện tri thức và tinh thần cho người dân nơi đây vượt qua trở ngại của thiên nhiên và lịch sử, tiếp thu những tư tưởng mới yêu nước về sau này. Trong quá trình ấy, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Lộc Giang chủ yếu gắn với tín ngưỡng dân gian tại các cơ sở tín ngưỡng làng xã như đình, chùa, miếu..., không hề được hưởng một thứ ánh sáng văn minh nào của chế độ thực dân.
Tóm lại, chính sách cai trị, khai thác thuộc địa của thực dân Pháp làm cho xã hội phân hóa sâu sắc. Sự áp bức gay gắt về chính trị và sự bóc lột tàn bạo về kinh tế của thực dân và địa chủ phong kiến gây nên sự phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân. Đó là cơ sở kinh tế - xã hội để phong trào dân tộc và dân chủ nảy nở và phát triển sau này ở Lộc Giang.
Sau cách mạng tháng 8-1945, Pháp tái xâm lược nên có hai chính quyền song song quản lý. Phía địch vẫn duy trì địa giới hành chánh cũ, Lộc Giang thuộc tổng Cầu An Hạ, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn. Phía ta, sau khi thành lập Khu 7, Khu 8 và Khu 9 ở Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ đổi quận (theo cách gọi phía địch) thành huyện, các làng cũng được đổi thành xã (1). Xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, thuộc Quân khu 7. Năm 1949, huyện Đức Hòa nhận thêm các xã của Khu Đông Thành (giải thể), thành lập huyện Đức Hòa Thành, Lộc Giang thuộc huyện này. Năm 1951, hai huyện Đức Hòa Thành và Trung Huyện nhập vào tỉnh Gia Định và Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954) thì tái lập như cũ, Lộc Giang trở lại thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn.
Chín năm kháng chiến chống Pháp, dù là vùng đất bị địch tạm chiếm, nhân dân Lộc Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, hoàn thành sứ mệnh làm tuyến đầu phía bắc của huyện, đầu cầu nối giữa miền Đông và miền Tây, đóng góp xứng đáng sức người, sức của vào thành công của cuộc kháng chiến ở địa phương.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau một số điều chỉnh về địa giới hành chính của chính quyền Ngô Đình Diệm, năm 1957, Lộc Giang là 1/9 xã thuộc tổng Cầu An Thượng, quận Đức Hòa, tỉnh Long An. Nhằm ngăn chặn hành lang chiến lược của cách mạng ở phía tây bắc Sài Gòn, năm 1963, địch lập tỉnh Hậu Nghĩa, Lộc Giang thuộc quận Trảng Bàng, tỉnh Hậu Nghĩa đến năm 1975. Phía ta, Lộc Giang vẫn thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 1967 thì thuộc Phân khu 2, từ năm 1970 thuộc khu 23, đến tháng 8 - 1972 thì thuộc tỉnh Long An như trước. Sau ngày đất nước thống nhất, 1975, các huyện Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa nhập về lại tỉnh Long An mới (gồm cả Kiến Tường), Lộc Giang thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đến ngày nay.