image banner
Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

         Lộc Giang là một trong 20 xã, thị trấn, có vị trí cực Bắc (11o 02’ B) của huyện Đức Hòa, cách thành phố Tân An  30 km theo đường chim bay, cách trung tâm hành chính huyện Đức Hòa 17 km, diện tích tự nhiên là 16,83 km2, ranh giới hành chính được xác định bởi phía Bắc giáp huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), phía Nam giáp xã An Ninh Tây và An Ninh Đông, phía Đông giáp tỉnh Tây Ninh và phía Tây - Tây Nam giáp Tây Ninh và xã An Ninh Tây với ranh giới là sông Vàm Cỏ Đông, có 7 ấp là Lộc Chánh, Lộc Bình, Lộc Thạnh, Lộc An, Lộc Thuận, Lộc Hòa và Lộc Hưng.

         Về giao thông, Lộc Giang có đường tỉnh 825 (tức lộ 10 trước đây) nối liền trung tâm xã với thị trấn Hậu Nghĩa; tỉnh lộ 821 (tức lộ 6) đi huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; lộ Bến Đò đi ra hướng sông Vàm Cỏ Đông. Sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa bàn xã dài 4km là tuyến giao thông thủy quan trọng nhất, cùng với hệ thống chi lưu như Rạch Vàm Trảng, Rạch Kè, Rạch Bà Quan, Rạch Bà Mảng, kênh đào Thạch Bích... còn là nguồn cung cấp nước mặt cho sản xuất nông nghiệp.

         Là xã có địa hình cao nhất ở huyện với đặc thù trước đây có nhiều khu rừng chồi hoang dại, nhiều tuyến giao thông thủy bộ, dân cư đông đúc, là đầu cầu phía bắc của tỉnh nối liền với tỉnh Tây Ninh, Lộc Giang là địa bàn quan trọng trong lịch sử cách mạng. Suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là căn cứ của huyện, tỉnh, là nơi đóng quân, dừng chân của nhiều lực lượng và là đầu cầu án ngữ địch từ phía bắc xuống, là bàn đạp của các đơn vị vũ trang tiến về vùng ven đô thị, là nơi nối liền căn cứ Đồng Tháp Mười với thành phố Sài Gòn, đầu mối liên lạc giữa chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Bước vào thời kỳ xây dựng, đặc biệt là trong giai đọan công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong điều kiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, Lộc Giang có cơ hội phát triển theo hướng cung cấp các sản phẩm nông sản và nguồn nhân lực cho địa phương và thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh phát triển thương mại - dịch vụ và nghề tiểu thủ công truyền thống.

         Về tổng quan địa lý, do được thành tạo trên đơn v trm tích Pleixtoxen (1) nên cảnh quan địa hình ở đây là đồng bằng xen kẽ với những khu đất cao gọi là giồng, gò  - di tích của quá trình phân bố trầm tích bị gián đoạn, không liên tục trong quá trình kiến tạo địa chất, dưới tác động của tự nhiên và con ngưi, thông qua sự phong hóa với các tiến trình sinh - hóa và phát triển trên địa hình cao thấp khác nhau, nhóm đất xám (2) được hình thành, là loại đất nhạt vì bị rửa trôi, chất hữu cơ bị khoáng hóa nhanh vào mùa khô, nước mưa ít được tích lũy trở lại nên nghèo dưỡng chất, thành phần cơ giới nhẹ, kiến trúc kém, khả năng giữ nước, giữ màu của đất kém nên thích nghi với một số loại cây hoa màu, cây ăn trái, năng suất lúa không cao và bấp bênh vì thiếu nước, nếu giải quyết được vấn đề nước tưới thì có khả năng trở thành vùng lúa hai đến ba vụ. Địa hình Lộc Giang nằm trên vùng cao nhất của tỉnh với độ cao từ 6 - 8m so với mặt nước biển, mang đặc trưng của vùng cao Đông Nam Bộ, dốc và nghiêng đều, thấp dần theo hướng Tây Bắc sang Đông Nam, tương đối bằng phẳng, nhìn chung thuận tiện cho việc san lấp mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp xây dựng.

         Khí hậu và thủy văn thuộc tính chất Nam Bộ với chế độ khí hậu nhiệt đới, gió mùa nóng, ẩm, đặc trưng cơ bản là nền nhiệt độ cao, ít biến đổi trong năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa khá lớn và phân bố theo mùa, trung bình hàng năm là 1.805 mm, nhiệt độ trung bình là 27,7oC; chịu ảnh hưởng của chế độ triều bán nhật của biển Đông (24 giờ có hai lần triều cao và hai lần triều thấp) qua sông Vàm Cỏ Đông, nhìn chung cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, luân canh các loại cây lúa, đậu, thuốc lá... và chăn nuôi.

         Do sự tương tác giữa các yếu tố tự nhiên như địa mạo, trầm tích, đất, nước và các yếu tố khác, cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái động thực vật ở đây đặc trưng của vùng phù sa cổ trên vùng đất cao không bị ngập nước với sự hiện diện của những khu rừng dày nhiệt đới nửa rụng lá, gồm nhiều tầng cây thân gỗ như dầu rái, sao đen, sao xanh, bằng lăng, trôm... Những khu rừng nguyên thủy này nay hoàn toàn bị hủy diệt, thay vào đó là làng mạc hình thành ngày một trù phú, đông đúc, những vùng đất thổ cư với vườn cây ăn trái, những rẫy trồng hoa màu hoặc chuyên canh đậu phộng, hay ruộng lúa... xen lẫn với các loài cây dại như me, keo, trâm bầu, muồng xiêm, tre, trúc... Nơi đây, xưa có mặt đầy đủ các loài động vật có vú cỡ lớn như voi, hổ, trâu rừng, nai, heo rừng và loại cỡ vừa như hươu, khỉ, chồn, hoẳng, giộc, rái cá... (1). Nhiều câu chuyện lý thú về động vật hoang dã ở đây vào đầu thế kỷ trước vẫn còn lưu truyền. Sự thay đổi lớn lao về thảm thực vật dẫn đến hệ động vật cỡ lớn và vừa được thay thế bằng các loài động vật cỡ nhỏ như chuột, dơi..., các loài bò sát và lưỡng cư khác. Hiện nay, do mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp cho vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long, hệ sinh thái tự nhiên cùng với tính đa dạng sinh học trên vùng đất cao phù sa cổ bị suy giảm, cảnh quan tự nhiên đã thay đổi cơ bản sau thời gian khai phá.

         Về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước mặt khá dồi dào từ sông Vàm Cỏ Đông, bên cạnh nước ngầm (2) với phẩm chất nước trung bình khá, đóng vai trò quan trọng cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đất đai thuộc nhóm đất xám có hàm lượng dinh dưỡng khá, thích hợp với cây lúa, màu, cây công nghiệp. Sét gạch ngói (3), đất san lấp và mỏ cát xây dựng trên sông Vàm Cỏ Đông là các loại khoáng sản quan trọng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất gạch ngói, các công trình xây dựng và san lấp mặt bằng các khu, cụm công nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản không thể tái sinh nên việc khai thác, nhất là khai thác cát xây dựng trên sông Vàm Cỏ Đông cần tuân thủ qui hoạch để đảm bảo vừa hiệu quả, tránh sụt lở, an toàn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.



(1) Trầm tích Pleixtoxen (phù sa cổ) thuộc vùng đất cao có độ cao không đều khỏang vài mét, từ 2 - 6m  so với mặt nước biển. Vật liệu trầm tích là những vật liệu bời rời, đặc trưng là chứa than nâu, tectit, có nhiều mặt laterit, nhiều cát, sạn, sỏi, đá tảng và tương đối rắn chắc.

(2) Nhóm đất xám phát triển trên nền phù sa cổ ở Lộc Giang - Đức Hòa nằm trên vùng đất có địa hình “sống trâu” chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, mà đường sống là một hành lang từ Tây Ninh cặp theo tỉnh lộ 10 đi Bàu Trai và thẳng xuống thị trấn Đức Hòa.

(1) Các cuộc khai quật khảo cổ năm 1978 và những năm về sau này tại khu vực gần Lộc Giang là di chỉ An Sơn (xã An Ninh Tây) đã phát hiện trên 20 loài động vật cỡ lớn và vừa khác nhau.

(2) Nước ngầm ở Lộc Giang thuộc tầng nước ngầm nông nằm trong các trầm tích Pleitoxen muộn, độ sâu khai thác trung bình từ 2 - 3m, dung lượng 2-3m3/giờ.

(3) Riêng sét gạch ngói, hiện trên địa bàn xã có 6 hầm đất với diện tích khai thác được cấp phép là khoảng 150 ha.

   

   



image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh